Vượt qua thất bại đầu đời
Lê Huệ có vẻ ngoài từng trải, chính chắn và lạc quan hiếm thấy, dù anh có một tuổi thơ cơ cực và thiệt thòi hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Sinh ra ở vùng quê nghèo thôn An Xá, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, từ nhỏ Huệ đã biết sớm đỡ đần công việc giúp mẹ. Anh kể, từ hồi mới học lớp 6, hôm nào anh cũng phải thức dậy từ bốn giờ sáng, mẹ gói cho một gói cơm nắm muối vừng hoặc khoai xéo, một mình đạp xe đạp từ Trung Sơn ra tận Vĩnh Linh để tìm đào sắt phế liệu về bán kiếm tiền phụ mẹ.
Cuộc sống thiếu thốn bàn tay chăm sóc của người cha nên anh sớm biết tự lập và xếp đặt mọi công việc gia đình, dù còn tuổi ăn tuổi chơi. Tốt nghiệp chuyên ngành Xây dựng, Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng), nhưng anh lại rẽ sang một ngã khác khi chọn công việc không liên quan đến ngành nghề mình đã học. Ra trường đúng thời điểm Viện nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn tuyển dụng cán bộ làm việc cho dự án nâng cao thu nhập cho người nông dân nghèo thông qua phát triển cây lâm sản ngoài gỗ tại địa bàn Quảng Trị, anh ứng tuyển và được lựa chọn.
“Khi trả lời phỏng vấn nhà tuyển dụng, mình không nói nhiều đến những dự định cao xa, chỉ bày tỏ tâm nguyện muốn được làm việc trực tiếp với người nông dân, được góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi Đakrông, nơi Viện sẽ triển khai dự án biết cách làm kinh tế để thoát nghèo. Với những hiểu biết về các vấn đề liên quan đến nông nghiệp từ vốn sống thực tế xuất thân từ nhà nông của mình, mình đã được nhà tuyển dụng tin tưởng lựa chọn”, Lê Huệ chia sẻ câu chuyện khởi đầu với công việc làm cho các dự án của mình.
Trong khoảng thời gian từ năm 2013-2015, Viện nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn đã điều hành 3 dự án lớn và nhiều dự án nhỏ của tổ chức phi chính phủ do các nước Hà Lan, Đức, Hồng Kông (Trung Quốc) tài trợ và Huệ đều được tham gia. Các dự án đã giúp đỡ hơn 1.000 người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông (Quảng Trị) và huyện Tây Giang (Quảng Nam) có sổ đỏ, cây trồng mới, nghề mới, nhận thức khoa học kỹ thuật cao hơn để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập.
Lê Huệ với quyết tâm sản xuất tinh dầu sả cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước |
Gắn bó với công việc này, Lê Huệ có cơ hội đi nhiều, biết nhiều. Anh kể, đầu năm 2015, khi được Viện nghiên cứu cho đi tham quan các mô hình trồng cây dược liệu ở các tỉnh Ninh Bình, Lào Cai, Nghệ An…, anh nhận thấy dù những nơi này quỹ đất không nhiều và chất đất không phù hợp như ở một số nơi tại Quảng Trị nhưng người nông dân vẫn biết tận dụng để trồng cây sả rất hiệu quả, mang lại thu nhập lớn. Từ lúc được tận mắt chứng kiến cách làm của người dân các địa phương, anh đã trăn trở rất nhiều, rồi cất công nghiên cứu tìm hiểu về ích lợi và giá trị kinh tế của cây sả, nhất là ứng dụng vào chưng cất tinh dầu để cung cấp ra thị trường.
Nghĩ là quyết tâm làm, anh bàn với mẹ vay mượn tiền thuê đất trồng sả, đồng thời cũng bày tỏ ý định sẽ từ bỏ công việc ở Viện để chuyên tâm vào việc trồng sả làm tinh dầu. Cuối năm 2015, anh Huệ xin nghỉ việc ở Viện nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn, vay mượn bạn bè, người thân cộng với vốn liếng tích lũy của bản thân được tổng cộng 200 triệu đồng, đi thuê 5 ha đất ở khu phố Nam Hùng (thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ) đầu tư trồng sả.
Có một thuận lợi lớn với anh khi triển khai dự án này là đã ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX Sinh Dược ở Ninh Bình để đảm bảo đầu ra, còn cây giống thì thu gom, mua ở các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. “Thời điểm đó khi triển khai dự án trồng sả, mình đã tính toán kỹ các phương án, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm để đảm bảo việc cung cấp đủ nước cho cây sinh trưởng, nhưng người tính không bằng trời tính. Năm đó Quảng Trị hạn nặng do ảnh hưởng hiện tượng Elnino, 5 ha sả của mình bị chết khoảng 70 - 80%, gần như mất trắng”, anh Huệ nhớ lại thất bại lớn đầu đời.
Cũng không tránh khỏi cảm giác thất vọng, hoang mang khi gần hai trăm triệu bỏ ra chớp mắt bỗng tiêu tan, nhưng không thể bỏ cuộc được, ý nghĩ này đã thôi thúc anh phải nghĩ cách để cứu vãn tình hình. Với hệ thống nồi chưng cất tinh dầu đã đầu tư, anh nghĩ phải tìm loại cây khác thay thế sả để chế biến tinh dầu, không để nồi “đắp chiếu nằm không”. Trong cái khó ló cái khôn, anh Huệ quay sang thu mua lá tràm, lá khuynh diệp để chế biến tinh dầu tràm, khuynh diệp, coi đây là phương án lấy ngắn nuôi dài để tiếp tục đeo đuổi giấc mơ tinh dầu sả.
Những dự định lớn của ông chủ trẻ
Qua được thời điểm khó khăn, xoay xở được chút vốn liếng từ việc sản xuất tinh dầu tràm và khuynh diệp, anh Huệ tiếp tục với dự án cây sả của mình. Bấy giờ trời không phụ lòng người, cùng với thời tiết thuận lợi, áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc cây sả nên 5 ha sả của anh đã sinh trưởng tốt, cho hàm lượng tinh dầu cao.
Năm 2016, với 5 ha sả, anh cho thu hoạch 4 đợt, chưng cất được 1.500 lít tinh dầu, doanh thu 900 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng 400 triệu đồng. Tính bình quân, mỗi héc ta cây sả cho doanh thu 180 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 80 triệu đồng. Để tận dụng hiệu quả diện tích đất đã thuê, anh cho trồng xen thêm hàng trăm cây ổi, chanh, xoài…và số cây ăn quả này cũng mang lại nguồn thu nhập thêm khoảng 40 triệu đồng/năm.
Một điểm thú vị ở Lê Huệ là ban đầu, anh mua nồi chưng cất tinh dầu, nhưng sau đó, qua quá trình nghiên cứu, tìm tòi, anh đã tự mua vật liệu mày mò chế tạo ra loại nồi chưng cất với buồng đốt ưu việt, tiết kiệm củi và nhiên liệu hơn để phục vụ cho sản xuất. Với hệ thống 3 nồi chưng cất tại xưởng như hiện nay, bình quân mỗi tháng cơ sở của anh sản xuất 50 lít tinh dầu sả, 500 lít tinh dầu tràm và khoảng 400 lít tinh dầu khuynh diệp.
Chỉ riêng năm 2016, việc sản xuất tinh dầu tràm đã mang lại cho anh doanh thu 1,5 tỉ đồng. Với cây sả, Huệ ưu tiên trồng giống cây sả tím với đặc điểm củ nhỏ, lá nhiều, cho lượng tinh dầu cao. Để mở rộng và ổn định vùng nguyên liệu cũng như sản phẩm, anh đã tìm hiểu và tiến hành thuê đất ở những nơi khác như Hải Lăng, Gio Linh trồng sả, tìm kiếm thị trường thu mua lá tràm và lá bạch đàn. Ngoài ra, anh chuyển giao máy móc và kỹ thuật chế biến tinh dầu cho một số hộ dân ở Hải Lăng, Quảng Bình, Hà Tĩnh để họ chủ động sản xuất ra tinh dầu còn mình thu mua lại sản phẩm.
“Đây là cách làm mà mình đang cố gắng nhân rộng, chủ động cho mượn máy móc, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân làm, không để người dân phải bỏ tiền đầu tư phương tiện mà chỉ cần bỏ công, để họ làm chủ các công đoạn từ trồng, thu mua nguyên liệu đến sản xuất ra sản phẩm, như vậy mới nâng cao hiệu quả công việc”, Lê Huệ chia sẻ thêm.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh Huệ còn tham gia tư vấn về kỹ thuật trồng sả cũng như chưng cất tinh dầu cho bà con nông dân của HTX Van Pa, xã Hải Phúc, huyện Đakrông. Chia sẻ thêm về những dự định thời gian tới, anh cho biết cuối năm nay sẽ xây dựng nhà máy chưng cất tinh dầu ở thôn Nam Đông, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh. Để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy quy mô sản xuất lớn, anh đã chuẩn bị máy móc hiện đại với 10 hệ thống chưng cất tinh dầu, 2 hệ thống chưng cất sản phẩm cao cô đặc, 2 hệ thống nấu dầu gội thảo dược và một hệ thống sản xuất xà bông từ các loại thảo dược.
Ngoài cây sả, tới đây anh đầu tư trồng và thu mua nhiều loại cây dược liệu khác như tràm, bạch đàn, chè vằng, cà gai leo, lạc tiên, vỏ bưởi, hương nhu, bồ kết, sả…để phục vụ cho việc chế biến. “Mình được Quỹ của HTX Sinh Dược hỗ trợ cho mượn máy móc nên khá thuận lợi khi đầu tư xây dựng nhà máy. Sản phẩm mình làm ra được họ bao tiêu nên không phải lo lắng đầu ra. Hiện tại có nhiều đơn vị tìm đến đề nghị làm đơn hàng cả 1.000 lít tinh dầu/tháng nhưng vùng nguyên liệu đang hạn hẹp nên mình chưa dám ký hợp đồng”, Lê Huệ cho biết.
Cũng như những người trẻ bước đầu khởi nghiệp, dù với Lê Huệ đã trải qua một chặng đường thử thách và đang trong quá trình khẳng định, giữ vững thương hiệu, nhưng anh vẫn rất cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện tại, các cơ sở sản xuất tinh dầu của Lê Huệ tạo việc làm cho khoảng 50 lao động thường xuyên với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra có khoảng 100 lao động thời vụ có thu nhập ổn định. Còn chặng đường dài với nhiều dự định táo tạo phía trước đang chờ đợi Lê Huệ, một thanh niên trẻ năng động, quyết đoán và luôn trăn trở với những ý tưởng mới mẻ để phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình trên chính mảnh đất quê hương.
Tác giả bài viết: Thanh Trúc
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn